Xuất khẩu gỗ tăng trưởng kỷ lục nhưng ẩn chứa rủi ro 'đầu tư núp bóng'
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9 đạt 1,147 tỷ USD, gần bằng mức kỷ lục hồi tháng 8 là 1,149 tỷ USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, quý III là quý đầu tiên trong lịch sử mà xuất khẩu gỗ vượt mốc 1 tỷ USD mỗi tháng. Đây cũng là lần thứ 2, sau quý IV/2019, xuất khẩu gỗ toàn quý đạt hơn 3 tỷ USD.
Nghi ngờ hàng Trung Quốc "đội lốt"
Đóng góp vào tăng trưởng ngành gỗ năm nay là thị trường Mỹ, với giá trị xuất khẩu tính đến ngày 30/9 là gần 5 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch.
Trong đó, ông Nguyễn Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), dẫn lại số liệu cho biết xuất khẩu gỗ nội thất phòng bếp sang Mỹ 7 tháng đầu năm tăng 156% bất kể sản xuất bị đình trệ 2-3 tháng do Covid-19.
Trong khi đó, nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến tủ bếp từ Trung Quốc tăng đột biến từ mức 28 triệu USD năm 2017 lên 92,3 triệu USD năm 2019. Riêng 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã đạt 74,5 triệu USD.
Tương tự, ghế sofa và bộ phận ghế ngồi từ Trung Quốc cũng liên tục "đổ bộ" vào Việt Nam những năm gần đây. Giá trị nhập khẩu tăng từ 20,3 triệu USD năm 2017 lên gần 100 triệu USD vào năm ngoái.
"Giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc chịu nhiều biện pháp kiểm soát từ phía Mỹ, nhưng cùng lúc đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ lại tăng trưởng tốt. Kể cả chúng ta làm đúng thì từ góc độ của Mỹ cũng buộc phải nghi ngờ", ông Chu Thắng Trung, Cục phó Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nêu quan điểm.
Do đó, lãnh đạo Cục Phòng vệ Thương mại cho rằng ngành gỗ ở thị trường Mỹ nhiều nguy cơ sẽ bị điều tra về gian lận xuất xứ. Hồi đầu năm, Mỹ đã khởi xướng điều tra gỗ dán từ Việt Nam. Ngày 2/10, cơ quan đại diện thương mại nước này cũng thông báo chính thức khởi xướng điều tra Việt Nam nhập khẩu, buôn bán gỗ bất hợp pháp.
Cần hạn chế đầu tư FDI trong ngành gỗ
Để kiểm soát vấn đề này, TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia từ Forest Trends, cho rằng cơ quan hải quan cần phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành khoanh vùng những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra để cảnh báo doanh nghiệp và tăng cường nguồn lực kiểm tra, giám sát quá trình cấp C/O.
Bên cạnh đó, các hiệp hội có thể kết nối và xây dựng lòng tin với các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn chân chính, qua đó nhờ hỗ trợ định vị các doanh nghiệp có hành vi gian lận.
Trong khi đó, từ góc độ doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng có nguy cơ cao như tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa, bà Dương Thanh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty sản xuất ván ép Việt Hoa, cho rằng nên xem xét lại các ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Liêm lấy dẫn chứng về mặt hàng tủ bếp. Ông cho biết thị trường này hiện khá lớn, quy mô lên đến 5-7 tỷ USD/năm, nhưng chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất xuất khẩu. Từ năm 2015, một số doanh nghiệp Đài Loan, sau đó đến năm 2018 có doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu gia nhập, thị trường dần cạnh tranh hơn.
Mặc dù vậy, trong số 200 doanh nghiệp tại Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ, có đến 85% là doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Trong 9 tháng đầu năm, dù chịu tác động của dịch Covid-19, vẫn có 12 dự án FDI ngành gỗ từ Trung Quốc và 10 dự án từ Hong Kong vào Việt Nam.
Tuy nhiên, như ông Trần Lê Huy, đại diện nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ và Forest Trends cho biết, có những công ty mới thành lập tại Việt Nam từ năm 2018 trở lại đây với quy mô sản xuất nhỏ, lại thường chỉ tập trung lắp ráp, đóng gói, sử dụng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ công ty mẹ tại Trung Quốc.
Những mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng chính là mặt hàng trước đó bị Mỹ áp thuế nặng nề ở Trung Quốc. Đặc biệt, việc xuất khẩu chủ yếu thông qua mạng lưới tiêu thụ trước đó đã được thiết lập bởi công ty mẹ ở Trung Quốc.
"Giảm thiểu rủi ro gian lận xuất xứ thông qua chứng nhận xuất xứ (C/O) rất khó, mà cần hạn chế đầu tư FDI trong lĩnh vực này. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ khả năng về công nghệ và nhân lực để đáp ứng yêu cầu cao của Mỹ", ông Nguyễn Liêm nhận định.
Với những lý lẽ này, ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) nên chủ động đứng ra kiến nghị Chính phủ, thay mặt ngành sản xuất trong nước.
Theo báo zingnews.vn
Số lần xem: 165